Hội thảo trực tuyến: “Hiện trạng và giải pháp cho việc sử dụng VLXKN” có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất VLXD. (Ảnh chụp màn hình)
Sử dụng vật liệu xây không nung là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thái Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, hành lang pháp lý cũng như cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn và quy chuẩn đối với VLXKN đã cơ bản đầy đủ.
Tuy nhiên, việc khắc phục hiện tượng nứt trên khối xây sử dụng VLXKN luôn là vấn đề trăn trở đối với chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công. Thực tế cho thấy, đối với công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, bắt buộc phải sử dụng VLXKN, thì chủ đầu tư mới sử dụng.
Còn đối với các công trình không bắt buộc phải sử dụng VLXKN, chủ đầu tư vẫn còn tâm lý né tránh sử dụng, thậm chí sẵn sàng chịu phạt để không phải sử dụng VLXKN. Mặc dù vậy, vẫn có những chủ đầu tư, nhà thầu thành công trong việc sử dụng VLXKN. Vậy cách làm của những đơn vị này như thế nào? Vì sao họ sẵn sàng sử dụng VLXKN trong khi nhiều đơn vị khác thường e ngại sử dụng VLXKN?
Tổng Biên tập Nguyễn Thái Bình mong muốn Hội thảo lần này sẽ giải đáp các câu hỏi nêu trên, từ đó giúp các bên liên quan hiểu đúng và làm đúng khi sản xuất, sử dụng VLXKN, tránh được những thất bại trong tương lai.
Vấn đề không chỉ là chất lượng của VLXKN
Chia sẻ tổng quan về tình hình áp dụng VLXKN tại nước ta, TS. Phan Hữu Duy Quốc, Phó Tổng Thư ký VCA cho biết, việc hạn chế gạch đất sét nung sẽ mang đến nhiều lợi ích như giảm phát thải khí CO2, giảm mất đất nông nghiệp và tận dụng phế thải công nghiệp khi sản xuất VLXKN.
VLXKN có 3 đặc tính cơ bản, đó là loại vật liệu dùng trong xây dựng mà việc sản xuất/tạo ra chúng không sử dụng nhiệt để nung. Trong đa số các trường hợp, xi măng được sử dụng như chất kết dính. Cuối cùng, VLXKN thường là vật liệu thay thế vai trò của gạch đất sét nung trong công trình.
Hiện nay, VLXKN có 4 chủng loại cơ bản. Thứ nhất là gạch bê tông. Thứ hai là vật liệu nhẹ: Gạch hoặc tấm panel từ bê tông khí chưng áp, bê tông khí không chưng áp, bê tông bọt.
Thứ ba là tấm tường thạch cao, tấm 3D, tấm panel bê tông, tấm panel nhẹ. Thứ tư là các loại gạch khác được sản xuất từ chất thải xây dựng, chất thải công nghiệp.
VLXKN có nhiều ưu điểm so với gạch đất sét nung. (Ảnh minh họa)
Kể từ năm 2010 đến nay, Chính phủ và Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy việc phát triển VLXKN, nổi bật là Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN tại Việt Nam đến năm 2030.
Tromg đó, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, sử dụng 100% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây. Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 90% VLXKN so với tổng lượng vật liệu xây.
Nhưng trong thời gian qua, vì nhiều lý do mà sản lượng sản xuất và tiêu thụ các loại sản phẩm vật liệu xây dựng liên tục suy giảm. Lĩnh vực VLXKN gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn kho lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và tiến độ thực hiện Chương trình của Chính phủ.
Sản lượng sản xuất và VLXKN năm 2023 khoảng 4,9 tỷ viên quy tiêu chuẩn, sản lượng tiêu thụ khoảng 4,8 tỷ viên quy tiêu chuẩn, các sản phẩm VLXKN chiếm khoảng 30% so với tổng sản lượng vật liệu xây.
Không những thế, một số công trình sử dụng VLXKN có xảy ra hiện tượng nứt, thấm làm giảm niềm tin vào VLXKN. Tuy nhiên, TS. Phan Hữu Duy Quốc cho rằng, chất lượng công trình có VLXKN không chỉ là vấn đề chất lượng của VLXKN còn chịu sự ảnh hưởng của quy trình thi công và vật liệu bổ trợ khác.
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy việc phát triển VLXKN. (Ảnh: Internet)
Vì vậy, người thực hành cần hiểu đúng bản chất vấn đề và thực hành đúng như hướng dẫn của chuyên gia. Các địa phương cần được hỗ trợ hơn về chuyên môn, người thực hành cần được tập huấn để hiểu đúng và làm đúng. Ngoài ra, định mức cũng cần được rà soát, điều chỉnh để đáp ứng được chi phí thực tế khi áp dựng VLXKN.
Thị trường VLXKN có chuyển biến tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn
Chia sẻ về thực trạng công tác quản lý nhà nước và thị trường VLXKN trên địa bàn thành phố Hà Nội, đại diện của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trước năm 2010, việc sản xuất gạch nung bằng lò thủ công phát triển rầm rộ tại Hà Nội như một nghề truyền thống. Đây là sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) không bị ảnh hưởng, cạnh tranh bởi thị phần và sản phẩm của Trung Quốc, không cần đầu tư nhiều vốn, công cụ sản xuất đơn giản, trình độ lao động phổ thông. Toàn thành phố tồn tại khoảng trên 1.700 lò gạch thủ công truyền thống.
Trong khi đó, các loại VLXKN (bê tông cốt liệu, bê tông bọt, AAC, tấm tường...) hầu như chưa có cơ sở sản xuất quy mô lớn, ngoại trừ một số cơ sở sản xuất gạch bê tông cốt liệu, bê tông bọt với quy mô nhỏ lẻ của các hộ gia đình tại một số huyện sẵn có nguồn nguyên liệu đá mạt do gần các mỏ đá.
Đến năm 2010, mặc dù UBND Thành phố đã chỉ đạo việc triển khai thực hiện Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/04/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020, nhưng cũng chỉ có một số cơ sở sản xuất gạch bê tông cốt liệu với quy mô công suất từ 5 - 10 triệu viên/năm.
Tại Hà Nội, các loại VLXKN được sử dụng chủ yếu là GKN loại nặng, các loại VLXKN nhẹ khác chưa được sử dụng phổ biến. (Ảnh: Internet)
Từ năm 2011 đến nay, sau khi Quy hoạch VLXD của Thành phố được duyệt, Hà Nội đã hoàn thành việc xóa bỏ toàn bộ lò gạch thủ công truyền thống, tạo điều kiện tiền đề phát triển các loại VLXKN trong giai đoạn 2016 - 2020 với 18 nhà máy sản xuất gạch không nung (GKN) được quy hoạch. Công suất mỗi nhà máy khoảng 20 triệu - 70 triệu viên/năm.
Qua rà soát tình hình thực tế, phần lớn các sản phẩm VLXKN của các cơ sở sản xuất nêu trên được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Các loại VLXKN đã được sử dụng trong nhiều công trình cao tầng, kể cả của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Các công trình sử dụng vốn nhà nước sử dụng 100% GKN.
Tuy nhiên, các loại VLXKN được sử dụng chủ yếu là GKN loại nặng (gạch xi măng cốt liệu đá mạt). Các loại VLXKN nhẹ khác chưa được sử dụng phổ biến trong một số công trình dân dụng.
Không những thế, VLXKN còn có một số nhược điểm như độ hút nước, trọng lượng lớn... Việc này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan quản lý Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho vật liệu xây không nung phát triển trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong thời gian tới.
Tấm tường Acotec và gạch lỗ cốt liệu tro bay có nhiều ưu điểm nổi trội
Chia sẻ về kinh nghiệm trong sản xuất và thi công lắp đặt tấm tường Acotec, kỹ sư Nguyễn Đức Hiệp, Trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai cho biết, tấm tường Acotec là bê tông tiền chế, không chịu lực, phù hợp để sử dụng làm tường ngăn bên trong chung cư, khách sạn, trường học, bệnh viện... hay tường hàng rào dự án. Hiện nay, tấm tường Acotec đang được sử dụng tại nhiều công trình lớn như: Vinhomes Smart City, Vinhomes Ocean Park, Eco Green Sài Gòn, Citadines Hạ Long...
Tấm tường Acotec có 5 ưu điểm nổi trội. Thứ nhất, đây là vật liệu có trọng lượng nhẹ, cách âm, chống cháy và chống ẩm tốt. Thứ hai, tấm tường Acotec giúp thi công nhanh, ít nhân lực. Thứ ba, đây là VLXKN, thân thiện với môi trường và tái chế tốt. Thứ tư, loại vật liệu này có bề mặt phẳng, không trát, dễ dàng lắp đặt hệ thống MEP (điện, nước và cơ khí). Thứ năm, tấm tường Acotec có tính kinh tế cao khi tăng diện tích sử dụng và giá thành phù hợp.
Tấm tường Acotec là VLXKN có nhiều ưu điểm nổi trội.
Kỹ sư Nguyễn Đức Hiệp cho biết có một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, bao gồm: Kiểm soát đồng đều nguồn nguyên vật liệu, thường xuyên bảo dưỡng dây chuyền, điều chỉnh tốc độ đùn vít sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất, thường xuyên kiểm tra chất lượng của vật liệu.
Về kinh nghiệm thi công tấm tường Acotec, kỹ sư Nguyễn Đức Hiệp lưu ý các nội dung mặt bằng bố trí tấm, kỹ thuật thi công lắp dựng, thi công lắp dựng lanh tô và thi công MEP, hoàn thiện.
Cũng tại Hội thảo, ông Trần Trung Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Công nghệ xanh Trung Hậu đã giới thiệu công nghệ sản xuất gạch lỗ từ 100% cốt liệu tro bay giúp giảm giá thành và bảo vệ môi trường.
Sản phẩm này có thành phần chính là xi măng, tro bay và phụ gia với độ hút vữa tương đương gạch đất sét nung, giúp tăng độ bám dính.
Gạch lỗ sản xuất từ cốt liệu tro bay có nhiều ưu điểm nổi bật như giá thành rẻ hơn gạch đất sét nung, trọng lượng nhẹ hơn gạch không nung cùng kích thước, đạt tiêu chuẩn TCVN 6477:2016 về gạch bê tông, công suất sản xuất lớn (10 – 20 triệu viên/ dây chuyền) và dễ dàng tự động hóa quá trình xây dựng do kích thước viên gạch chính xác.
Thi công khối xây sử dụng VLXKN cần đáp ứng TCVN và các hướng dẫn kỹ thuật
Chia sẻ về chỉ dẫn kỹ thuật cho thi công khối xây sử dụng VLXKN, TS. Trần Bá Việt, Phó Chủ tịch VCA cho biết, quá trình thi công khối xây sử dụng sử dụng VLXKN thường gặp một số vấn đề như sau: Hiện tượng tách tường với cột bê tông cốt thép (BTCT), vách BTCT, trần BTCT và tách khuôn cửa. Gối dưới dầm, linto đè trực tiếp lên gạch cốt liệu có chỗ bị nứt vỡ. Liên kết giữa hai hàng xây yếu (xây ngược viên xây, viên xây không có lớp đáy). Thấm tường ngoài và ngấm khi dùng nước. Thi công điện nước khó khăn, nứt tách dọc tuyến điện nước. Việc trát hoàn thiện gặp khó khăn nếu không có lớp hồ xi măng lót.
Chính vì vậy, TS. Trần Bá Việt cho rằng, việc thi công khối xây sử dụng VLXKN phải thực hiện đúng theo TCVN và các hướng dẫn kỹ thuật, có thiết kế kỹ thuật thi công. Công nhân phải được tập huấn kỹ thuật xây gạch bê tông và cần giám sát đảm bảo kỹ thuật xây, đặc biệt là phần liên kết và nẹp giằng tường.
Thi công vật liệu xây không nung cần thực hiện đúng theo TCVN và các hướng dẫn kỹ thuật Việc thi công khối xây sử dụng VLXKN phải thực hiện đúng theo TCVN và các hướng dẫn kỹ thuật. (Ảnh: Internet)
Trong khi đó, PGS.TS Trần Văn Miền đến từ Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra các nguyên nhân gây nứt của khối xây sử dụng gạch xi măng cốt liệu.
Trước hết, đó là sự co nở không đều giữa vật liệu làm tường và các kết cấu ngầm xung quanh khối xây (cột, dầm) khi nhiệt độ và độ ẩm của môi trường thay đổi.
Từ biến và co ngót khô của khối xây sử dụng GKN làm hình thành ứng suất cắt trên mạch vữa xây, khi ứng suất cắt vượt quá ứng suất bám dính giữa vữa xây và gạch thì sẽ hình thành vết nứt trên mạch vữa xây. Một nguyên nhân khác là đặt các chi tiết liên kết hoặc khe co giãn không hợp lý.
Vết nứt trên khối xây của gạch xi măng cốt liệu do co ngót và nhiệt sinh ra thường có dạng đứng và xiên. Những vết nứt này sẽ xuất hiện từ vị trí góc cửa sổ, góc lỗ mở. Những vết nứt dạng này là rất phổ biến và không gây ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực. Trong khi đó, vết nứt trên khối xây do ngoại lực tác động thường có dạng nứt ngang.
Còn theo khảo sát một số công trình tài Việt Nam, nguyên nhân chính của việc gây nứt khối xây GKN của các dự án là kìm hãm co ngót - giãn nở của GKN trên khối xây, co ngót khô của GKN trên khối xây chưa đạt đến trạng thái ổn định.
Do đó, khi đề xuất giải pháp để hạn chế rạn nứt trên khối xây sử dụng GKN, PGS.TS Trần Văn Miền cho rằng cần tập trung vào yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm GKN và quy trình xây tô khối xây sử dụng GKN.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều Sở Xây dựng địa phương trên cả nước. (Ảnh chụp màn hình)
Trong đó, gạch xi măng cốt liệu cần đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của TCVN 6477:2016. Ngoài ra, GKN cần phải đáp ứng một số chỉ tiêu cụ thể về cường độ chịu nén, hệ số mềm, độ thấm nước, độ hút nước và độ co nở tương đối.
Về quy trình xây tô khối xây sử dụng GKN, kết quả nghiên cứu cho thấy, độ co khô của GKN tăng dần theo thời gian, đạt đỉnh co khô và ổn định sau 45 ngày từ lúc sản xuất.
Vì vậy, đơn vị thi công nên lựa chọn GKN có tuổi từ 45 ngày trở lên để thi công khối xây, hoặc dùng phương pháp dưỡng hộ nhiệt ẩm để đẩy nhanh quá trình hydrat hóa của xi măng, từ đó làm ổn định độ co khô của gạch khi đưa vào thi công khối xây.
Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tiêu chuẩn, quy chuẩn
Đóng góp ý kiến cho Hội thảo, ông Lê Văn Kế, đại diện của Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, Chính phủ rất quan tâm đến VLXKN khi ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích.
Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng VLXKN trong tổng số vật liệu xây tại Việt Nam trước năm 2010 là rất thấp. Đến năm 2019, tỷ lệ này tăng lên khoảng 25% - 30%. Nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà trong thời gian qua, việc sản xuất và tiêu thụ VLXKN có chiều hướng đi xuống.
Ông Lê Văn Kế đánh giá Hội thảo lần này đã cung cấp bức tranh tương đối đầy đủ về tình hình sử dụng VLXKN tại Việt Nam, đặc biệt là phân tích nguyên nhân gây rạn nứt các khối xây dựng sử dụng VLXKN. Tham luận của các nhà khoa học cho thấy, nếu các nhà thầu xây dựng sử dụng đúng vật liệu và thi công đúng kỹ thuật thì vấn đề này không đáng quan ngại.
Trong thời gian tới, từ những kiến nghị của địa phương và doanh nghiệp, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức sử dụng VLXKN để thực hiện được các mục tiêu của Quyết định số 2171/QĐ-TTg.
Về góc độ của nhà sản xuất, ông Lê Văn Kế cho rằng, các doanh nghiệp nên có định hướng lâu dài là phát triển những vật liệu tấm lớn và nhẹ như bê tông khí chưng áp, tấm tường Acotec…
Nguồn: