Cần hiểu đúng và thực hành đúng
Sáng 20/7, Tạp chí Xây dựng phối hợp với Hội Bê tông Việt Nam (VCA), Hội VLXD Việt Nam (VABM) tổ chức hội thảo trực tuyến “Hiện trạng và giải pháp cho việc sử dụng vật liệu xây không nung” (VLXKN) nhằm giúp các bên liên quan hiểu đúng, làm đúng khi sản xuất, sử dụng VLXKN, tránh được những thất bại trong tương lai.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thái Bình - Tổng biên tập Tạp chí Xây dựng cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, hành lang pháp lý cũng như cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với VLXKN đã cơ bản đầy đủ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, đối với công trình sử dụng vốn NSNN - đối tượng công trình bắt buộc phải sử dụng VLXKN, thì chủ đầu tư mới sử dụng. Còn đối với các công trình không bắt buộc phải sử dụng VLXKN, chủ đầu tư vẫn né sử dụng, thậm chí sẵn sàng chịu phạt để không phải sử dụng VLXKN.
Mặc dù vậy, vẫn có những chủ đầu tư, nhà thầu thành công trong việc sử dụng VLXKN. Các chuyên gia, doanh nghiệp tham gia Hội thảo sẽ chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của những đơn vị thành công trong việc sử dụng VLXKN, những đơn vị sẵn sàng sử dụng VLXKN...
TS Phan Hữu Duy Quốc - Phó Tổng thư ký Hội Bê tông Việt Nam (VCA) cho rằng, nhiều người sử dụng VLXKN nhưng chưa hiểu rõ bản chất vấn đề, chưa thực hành đúng như hướng dẫn; giá thành gạch không nung (GKN) còn cao, nhất là gạch bê tông khí chưng áp vì yêu cầu sử dụng vữa chuyên dụng, lưới gia cường; việc biên soạn giáo trình, hướng dẫn thực hành, tập huấn chưa được thực hiện đồng bộ ở các địa phương…
Khẳng định quan điểm, chất lượng công trình sử dụng VLXKN không chỉ là vấn đề chất lượng của VLXKN, mà còn chịu sự ảnh hưởng của qui trình thi công và vật liệu bổ trợ khác, TS Phan Hữu Duy Quốc khuyến nghị, để thúc đẩy sử dụng VLXKN giúp giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững, người thực hành cần hiểu đúng bản chất vấn đề và thực hành đúng như hướng dẫn của chuyên gia; Các địa phương cần được hỗ trợ hơn về chuyên môn, người thực hành cần được tập huấn để hiểu đúng và làm đúng; Định mức về các loại VLXKN cũng cần được rà soát, điều chỉnh để đáp ứng được chi phí thực tế khi áp dựng VLXKN.
Vai trò quan trọng của quản lý Nhà nước tại địa phương
Theo đánh giá của TS Trần Bá Việt - Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam (VABM), trong thời gian qua đã có nhiều công trình đã sử dụng VLXKN cho kết quả tin cậy, hiệu quả như các công trình nhà ở thấp tầng và cao tầng, toà nhà văn phòng, trụ sở cơ quan, trường học... Tuy nhiên, cũng còn một số công trình, khi sử dụng VLXKN còn có phát sinh khuyết tật, nứt thấm, nhất là một số công trình ở các tỉnh.
Qua quá trình khảo sát thực địa, tư vấn giám sát nhiều công trình và làm việc với các BQLDA, Sở Xây dụng các tỉnh có thể nhận thấy, việc quản lý chất lượng VLXKN và phụ kiện vật liệu phụ đi kèm, nhất là tại các cơ sở sản xuất nhỏ chưa được quan tam, sâu sát, thường xuyên.
Ví dụ, việc thử nghiệm vật liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra chưa được thử nghiệm đầy đủ các chỉ tiêu, quy trình chế tạo bảo dưỡng gạch bê tông không được tuân thủ; nhà thầu khi mua gạch bê tông không tiến hành thử nghiệm lại chất lượng VLXKN.
Tư vấn thiết kế, thẩm tra, thẩm định không kiểm tra thiết kế thi công khối xây cho mỗi loại tường sử dụng mỗi loại VLXKN. Tư vấn giám sát không nắm được, không hiểu đúng và không có giám sát nghiệm thu đúng khối xây VLXKN cho mỗi loại VLXKN khác nhau.
Nhà thầu và nhà thầu phụ, nhân công xây dựng không được học, không hiểu và không làm đúng các tiêu chuẩn, quy trình, hướng dẫn đã được ban hành...
Từ phân tích này, TS Trần Bá Việt nhấn mạnh vai trò của quản lý là nước tại địa phương là các Sở Xây dựng và các chủ đầu tư là rất quan trọng trong công tác thẩm định thiết kế, phê duyệt thiết kế, thanh tra, kiểm định và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.
Nếu các Sở Xây dựng và các chủ đầu tư làm tốt vai trò của mình thì có thể ngăn chặn hầu hết các khuyết tật và sự cố khối xây liên quan đến VLXKN xảy ra trên địa bàn.
Kinh nghiệm cho thấy, các chủ đầu tư lớn, các nhà thầu lớn và các Sở Xây dựng tại các thành phố lớn hầu như không để xảy ra khuyết tật sự cố khối xây do mình và trên địa bàn mình quản lý.
Theo TS Trần Bá Việt, bài học cần thiết là các sở Xây dựng cần kiểm tra, đánh giá các công ty sản xuất VLXD, vật liệu phụ và phụ kiện đi kèm; cần tập huấn cho cơ quan thẩm định thiết kế, thanh tra xây dựng, các tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu và nhân công đang thực hiện các công trình trên địa bàn, có kiểm tra đánh giá cả về lý thuyết và thực hành sẽ ngăn ngừa được các khuyết tật, sự cố về khối xây VLXKN.
Luôn có liên kết ngàm âm dương giữa hai tấm tường
Cũng tại Hội thảo, KS Nguyễn Đức Hiệp - Trưởng phòng kỹ thuật Công ty CP Đầu tư xây dựng Xuân Mai đã giới thiệu chuyên sâu về tấm tường Acotec - một loại VLXKN đã được phổ biển và sử dụng rộng rãi trong nhiều dự án lớn, đạt các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, tiến độ thi công nhanh, tối ưu chi phí, thân thiện môi trường và hoàn toàn phù hợp với xu hướng xây dựng hiện đại.
Tấm tường Acotec - Xuân Mai là tấm tường rỗng bê tông đúc sẵn theo công nghệ đùn ép đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam, có bề rộng tiêu chuẩn 600 mm, chiều cao linh hoạt từ 2,5 - 3,4 m với hai chiều dày phổ biến 100 mm và 140 mm.
Tấm tường Acotec - Xuân Mai nhẹ chỉ bằng 1/2 - 1/3 so với tường gạch truyền thống, giúp tiết kiệm chi phí nền móng công trình; có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống cháy tốt; thi công tốc độ nhanh gấp 3 - 5 lần tường xây thông thường, nhân lực thi công ít hơn và thi công sạch sẽ hơn; thi công điện nước theo các lỗ rỗng sẵn có của tấm giúp giảm 50% nhân công cho công tác cắt đục tường…
Do đó, tấm tường Acotec - Xuân Mai đang được các chủ đầu tư lựa chọn là phương án tối ưu thay thế gạch nung truyền thống, các loại viên xây khác tại các công trình nhà ở, chung cư, trường học, bệnh viện như: khách sạn cao cấp (Pullman - Hải Phòng, Citadines - Hạ Long…), các chung cư cao cấp (khu đô thị Vinhome Ocean Park, Vinhome Smart City, Ecogreen Sài Gòn…), trường học quốc tế...
Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng tấm tường khi thi công, KS Nguyễn Đức Hiệp khuyến nghị: các tấm cắt lẻ bề rộng nên được bố trí vào cuối đoạn tường để các liên kết giữa hai tấm luôn có liên kết ngàm âm dương; bố trí cách thức liên kết tấm tường với cột bê tông, tường xây phù hợp cho mảng tường chiều dài hơn 3 m.
Trong thi công lắp dựng, các vị trí liên kết được vệ sinh sạch khi thi công; vữa liên kết sử dụng đúng chủng loại chỉ định, trộn vữa theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất, mạch vữa đầy và được bảo dưỡng tưới ẩm đủ thời gian. Với vị trí liên kết lanh tô cần bù vữa vào các lỗ rỗng trên lanh tô và vai đỡ trước khi lắp dựng.
Trong thi công MEP cần thực hiện sau 7 ngày lắp dựng và phải dùng máy cắt tạo đường trước rồi mới đục, không được đục trực tiếp tấm tường. Trong hoàn thiện, cần bả bề mặt tấm tường theo phương dọc, không bả theo phương ngang, không phủ lớp bả thường lên trên lớp bả đàn hồi tại các vị trí liên kết mềm…
Ổn định độ co khô của gạch trước khi đưa vào thi công
Đề xuất giải pháp hạn chế răn nứt trên khối xây sử dụng GKN, PGS.TS Trần Văn Miền - Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM cho biết, về yêu cầu kỹ thuật, vật liệu GKN xi măng cốt liệu không chỉ phải đáp ứng TCVN 6477:2016; mà còn phải đáp ứng thêm các chỉ tiêu về cường độ chịu nén ≥ 50 daN/cm2, hệ số mềm ≥ 75%, độ thấm nước ≤ 16 L/m2.h, độ hút nước ≤ 12%, đặc biệt độ co nở tương đối ≤ 0,6 mm/m.
Kết quả nghiên cứu độ co khô của GKN cho thấy, độ co khô của GKN tăng dần theo thời gian, đạt đỉnh co khô và ổn định sau 45 ngày từ lúc sản xuất. Vì vậy, PGS.TS Trần Văn Miền khuyến nghị nên lựa chọn GKN có tuổi từ 45 ngày trở lên để thi công khối xây, hoặc dùng phương pháp dưỡng hộ nhiệt ẩm để đẩy nhanh quá trình hydrat hóa của xi măng, từ đó làm ổn định độ co khô của gạch khi đưa vào thi công khối xây.
Những nghiên cứu của PGS.TS Trần Văn Miền đã được áp dụng trong thực tiễn tại Công ty CP Vật liệu xanh Đại Dũng (DDG) trong lựa chọn nguyên liệu, tối ưu cấp phối; công nghệ sản xuất và áp dụng kỹ thuật dưỡng hộ GKN bằng hơi nước nóng để nâng cao chất lượng GKN thông qua việc gia tăng hệ số mềm và giảm biên độ co - nở.
Theo đó, sản phẩm của DDG đã được sử dụng trong các dự án tiêu biểu: Chung cư The Marq, 29B Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM - Khu căn hộ The River, Thủ thiêm, TP Thủ Đức, TP.HCM - Khu căn hộ The Metropole, Thủ thiêm, TP Thủ Đức, TP.HCM - Tổ hợp Grand Marina, Q.1, TP.HCM - Nhà máy đồ chơi Lego, KCN VSIP3, Bình Dương - Resort Ixora Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng tàu - Resort Hyatt Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng Tàu - Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất.
Góp ý tại Hội thảo, ông Lê Văn Kế (Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng) khẳng định, Chính phủ rất quan tâm đến VLXKN khi ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích trong thời gian qua. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc sản xuất và tiêu thụ VLXKN gặp nhiều khó khăn thời gian gần đây.
Trong thời gian tới, từ những kiến nghị của địa phương và doanh nghiệp, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn và định mức sử dụng VLXKN để thực hiện được các mục tiêu của Quyết định số 2171/QĐ-TTg ngày 23/12/2021, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển VLXKN tại Việt Nam đến năm 2030. Khuyến nghị riêng đối với nhà sản xuất, ông Lê Văn Kế cho rằng, các doanh nghiệp nên có định hướng lâu dài phát triển những vật liệu tấm lớn và nhẹ như bê tông khí chưng áp, tấm tường Acotec…